Tri ân người Thầy đầu tiên.
Người đã dạy ta những nốt nhạc, những quân cờ đầu tiên, cách cầm cái cưa… và còn thật nhiều bài học hơn thế.
Ngày bé, cây cam ông Nội dày công mấy năm chiết ghép sau đồi ra quả cam bói đầu tiên. Cháu mò ra vặt nghéo xuống nghịch, ông giận lắm. Ông ngồi ở bàn, đặt cây thước gỗ bằng nửa cổ tay xuống, dằn giọng:
- “Đứa nào? Mấy năm ông trồng mới ra quả đầu tiên mà vặt thế sao sau cây ra quả được nữa.”
Tất nhiên, từ đầu ông đã biết thừa là mình – đứa duy nhất ngồi bệt xuống góc nhà lì mặt ra. Mình đã không sợ ông đánh, không sợ ông biết vì tự biết ông đã nhận ra “thủ phạm” rồi. Không biết động lực nào, đã khiến 1 đứa trẻ trở nên lì lợm trước nỗi sợ, trong đầu chỉ nghĩ về cây cam và “nếu không ra quả được nữa thì thế nào?”
Cứ thế suốt cả chiều 2 ông cháu cứ ngồi như vậy, không ai nói gì. Ông Nội đã rất kiên nhẫn với mình – đức tính của ông mà mình không được thừa hưởng. Cuối buổi, ông chỉ nói:
- “Ngồi dậy, ông tha cho đấy”.
Những năm sau này mình vẫn luôn nhớ về câu chuyện quả cam bói và những bài học ông đã dạy – mà có những chuyện đến giờ mình mới ngẫm ra, nhận ra càng ngày càng cảm thấy kết nối dù âm dương cách biệt.
Theo dòng thời gian, đứa trẻ nay đã 33 tuổi, ngày càng thấm việc đúng/ sai không còn quan trọng – vấn đề sau đó sẽ là gì? Đứa trẻ có lúc thấy tự hào, có lúc tự hổ thẹn, có lúc nuối tiếc vì những gì mình đã và cả chưa làm; có lúc biết ơn, lúc giận dữ vì những gì mình đã cho đã nhận – nhưng trên tất cả nó đã luôn lựa chọn bằng trái tim. Trái tim được may mắn trưởng thành bằng yêu thương, bao dung của tất cả.
Ngày kỷ niệm của Đất nước, cũng là ngày giỗ của ông Nội, người cũng từng tham gia kháng chiến… Đứa cháu nhỏ nay đã nghĩ về ông – và cảm thấy biết ơn, biết ơn và biết ơn thật nhiều.
“Cây có cội, nước có nguồn”
Và “nếu không ra được quả” cây cam vẫn là cây cam đấy thôi.
——-
22.12.2022
Cháu nội của ông.